50 năm hình thành
Nhà hát Múa rối Thăng Long – 50 năm hình thành và phát triển
Ngày 10/10/1969
UBND Thành phố Hà Nội quyết định thành lập Đoàn nghệ thuật Kim Đồng Hà Nội trực thuộc sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Đoàn có trụ sở tại Tầng hầm sở VHTT – 47 Hàng Dầu, Hà Nội
Năm 1975
Đoàn nghệ thuật Kim Đồng đổi tên thành Đoàn Múa Rối Hà Nội
Trụ sở của Đoàn phải liên tục di chuyển 3 nơi
1/ Rạp Kim Đồng – Hàng Bài, Hà Nội
2/ Rạp Đặng Dung – Phố Đặng Dung, Hà Nội
3/ Rạp Long Biên – Phố Hàng Chiếu, Hà Nội
Từ đây đoàn đã được đầu tư trang thiết bị ôtô, máy nổ, sân khấu, phông màn, âm thanh và ánh sáng tuyển thêm diễn viên, nhạc công.
Các nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn, họa sĩ bậc thầy cộng tác với Đoàn thời điểm này là: Tô Hoài, Vũ Đình Thịnh, Hoài Giao, Đình Quý, Tạ Vũ, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Thành, Trần Hoạt, Đạo diễn Trần nghĩa, Đạo diễn Cao Kim Điển, Biên đạo múa Phan Hồ, N.S Hoàng Vân, N.S Nguyễn Văn Tý, N.S Văn Cao, N.S Cao Việt Bách, N. S Nguyễn Đình Tấn, N.S Đặng Hữu Phúc, H.S Ngô Mạnh Lâm, H.S Mai Long, H.S Nguyễn Đức Hùng, H.S Nguyễn Hồng, H.S Trần Chắt, H.S Bùi Huy Hiểu.
Những danh tài nổi tiếng của Thủ Đô và cả nước đã tập trung giúp đoàn xây dựng các tiết mục vở diễn. Đồng hành cùng hàng trăm đoàn nghệ thuật sân khấu từ trung ương đến địa phương của cả nước. Đoàn bắt đầu lưu diễn khắp các tỉnh, thành suốt chiều dài tổ quốc.
Với những chương trình nghệ thuật vở diễn múa rối vui tươi, sâu sắc, lịch lãm, tinh tế của người Hà Nội hào hoa ngàn năm văn hiến.
1985 – 1990
Đứng trước nguy cơ giải thể
Những năm tháng cuối cùng của thời bao cấp, trước ngưỡng cửa cơ chế thị trường khủng hoảng – bế tắc toàn diện. Diễn không người xem, lương không đủ sống, ngày không việc làm, lãnh đạo đoàn bị kỷ luật, nguy cơ bị giải thể, thất nghiệp và tan giã.
Đồng chí trưởng đoàn bị cách chức, không khí ảm đạm bao trùm. Đoàn rơi vào tình trạng sa sút toàn diện, tài chính nợ nần chồng chất, cơ sở vật chất hư hỏng, con người hoang mang, tất cả tê liệt không hoạt động được nữa. Một đồng chí cán bộ của đoàn được cử làm Đoàn trưởng thiếu năng lực không thể đảm trách được nhiệm vụ và tự động xin từ chức trưởng đoàn. Lãnh đạo Sở Văn hóa lần lượt cử bốn cán bộ sở về lãnh đạo nhưng không ai dám nhận làm trưởng đoàn. Do vậy, lãnh đạo Sở đã đề nghị giải thể đoàn múa rối Hà Nội sau 16 năm được thành lập.
Mọi hoang mang của người nghệ sĩ diễn viên giỏi nghề, yêu nghề, mọi khát vọng đều tìm đến và vây quanh một người mà lúc thất vọng nhất họ đều hướng về anh: NSƯT Lê Văn Ngọ. Tất cả đồng loạt làm đơn xin với cấp trên cho đồng chí Lê Văn Ngọ, phó đoàn, một người anh mà họ đặt hết niềm hy vọng tương lai nghệ thuật múa rối được giữ cương vị lãnh đạo đoàn.
Trước thiết tha yêu nghề của nghệ sĩ, diễn viên, Sở Văn hóa Hà Nội đã quyết định ông Lê Văn Ngọ lãnh đạo phụ trách đoàn. Nhưng niềm vui thoát nạn chỉ là cánh cửa của tương lai
#Tương lai của nghệ thuật là con đường dài phải đi mãi, kể cả vinh quang cũng không được phép dừng lại
Nhưng đi đâu, về đâu lúc này? Dù đi không xa mãi, dù về đâu cháy bỏng thì con đường đúng đắn nhất của nghệ thuật Múa rối là quay lại truyền thống và nơi về tuyệt đích nhất là trái tim tâm hồn của dân tộc.
Đó là lời mách bảo của thần linh và cũng là điều Lê Văn Ngọ cùng anh em lúc này phải nhận ra: Phải trở về nguồn cội, phải trở về với rối nước ngàn năm luôn được lưu giữ trong dân.
Tìm về phường rối nước Đào Thục – Đông Anh để được làm dân làng, cùng ăn ngủ, lội nước diễn trò với các nghệ nhân. Đó là những tháng ngày hồi sinh kỳ diệu của Lê Ngọ cùng những người tâm huyết với nghề. Bấy nay những nghệ nhân dân gian chèo, rối vẫn coi các anh chị văn công nhà nước là bậc thầy thì nay các nghệ sĩ diễn viên văn công chuyên nghiệp mới nhận ra – Mái đình xưa, buồng trò rối nước ao làng kia mới thực sự là nơi mình phải trở lại dâng hương và cầu đạo.
# Kinh phí làm nghệ thuật
Nhưng phường rối của làng là ao dân tự bỏ tiền ra mua sắm, tự bỏ công sức tập luyện để thờ thánh, vui dân. Còn đoàn rối Hà Nội là đoàn nghệ thuật của nhà nước đang rơi vào nợ nần, không được cấp kinh phí xây dựng tiết mục nữa, có nghề rồi, trở lại đạo đức truyền thống rồi nhưng không có tiền? Tại sao không học dân – Họ còn biết bớt ăn, bớt mặc góp tiền để “chơi” nghệ thuật?
Lê Ngọ kêu gọi anh em góp vốn và tự mình tiên phong mang tất cả số tiền vợ anh chắt chiu được do xuất khẩu lao động từ Đức gửi về. Tinh thần cống hiến cho nghệ thuật bùng cháy, những chỉ vàng, đồng tiền phòng thân của các gia đình anh em được thức giấc.
1991 - 2001
Đoàn Múa rối nước Thăng Long
Đón nhận một tương lai mới Đoàn múa rối Hà Nội được đổi tên lần thứ ba thành Đoàn múa rối Thăng Long.
Phó giáo sư, nhạc sĩ Vĩnh Cát với cương vị Giám đốc Sở văn hóa Thông tin Hà Nội với tầm nhìn sâu rộng và tư duy sáng suốt đã quyết định cải tạo rạp chiếu bóng Hòa Bình thành nhà hát sân khấu nghệ thuật múa rối bằng nguồn tài chính của chính phủ Tiệp Khắc (cũ) viện trợ không hoàn lại cho thành phố Hà Nội.
Sau 24 năm thử thách – đi qua bao biến cố, có lúc tưởng chừng tan rã, nhưng lòng yêu nghề, đoàn kết và cao hơn nữa, mỗi con người của Đoàn Múa rối Thăng Long đều được tổ tiên tin cậy. Năm 1993 đoàn nghệ thuật múa rối Thăng Long chính thức được bàn giao rạp chiếu bóng Hòa Bình xưa nay được xây dựng cải tạo thành nhà hát nghệ thuật sân khấu múa rối tại địa chỉ 57B - phố Đinh Tiên Hoàng – Hoàn Kiếm.
#Trở thành địa điểm văn hóa nghệ thuật hàng đầu thủ đô
Khán giả Thủ Đô và cả nước cùng quan chức, du khách người nước ngoài ngày ngày nườm nượp đổ về, suốt ngày đêm với bình quân ba xuất diễn không ngừng nghỉ 365 ngày trong năm.
Các công ty du lịch vô cùng bận rộn xếp lịch tour cho khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến Hà Nội và được xem nghệ thuật múa rối Việt Nam tại 57B- Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội
#Mang nghệ thuật Múa rối nước ra quốc tế
Do chủ trương đổi mới quan hệ quốc tế - đa phương hóa, bình thường hóa với các nước trên thế giới của Đảng, nhà nước ta. Năm 1992, chuyên gia nghệ thuật nhà hát múa rối Sugimoco nổi tiếng của Nhật Bản thăm và được xem chương trình nghệ thuật Rối nước truyền thống của đoàn, họ vui mừng, thán phục và chính thức mời đoàn biểu diễn tại Nhật.
Cũng bắt đầu từ năm 1991 đến 2001, 10 năm này khán giả yêu nghệ thuật sân khấu trên thế giới biết đến ở Việt Nam có một Nhà hát nghệ thuật độc đáo và kỳ diệu. Ngoài chương trình biểu diễn ở hầu hết các châu lục, Đoàn nghệ thuật múa rối Thăng long còn tích cực tham gia các cuộc Liên hoan nghệ thuật Quốc tế được tổ chức tại các Thủ đô nổi tiếng Paris, New York, Barcelona, Hejsinki, Seoul, Bangkok... Rất nhiều nơi đoàn quay trở lại biểu diễn theo lời mời của khán giả đến gần 10 lượt như Pháp, Úc, Mỹ, Nhật...
Có nhiều năm, Nhà hát lưu diễn Quốc tế rất nhiều lần. Đặc biệt, năm 2000 Đoàn đã thực hiện 7 chuyến lưu diễn Quốc tế.
2001 - 2005
NHÀ HÁT MÚA RỐI THĂNG LONG
Tháng 8 năm 2001, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định năng cấp đoàn Múa rối nước Thăng Long thành Nhà hát Múa rối Thăng Long - trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội
Việc đổi tên từ Đoàn Múa rối Thăng Long lên Nhà hát Múa rối Thăng Long đánh dấu một bước tiến vượt trội của một đơn vị nghệ thuật.
Sau gần 10 năm tập chung xây dựng và biểu diễn rối nước Nhà hát đã thu được những thành tựu đáng khích lệ. Ban giám đốc quyết định khôi phục múa rối cạn theo hướng hiện đại mặc dù biết sẽ không ít khó khăn. Rối cạn là mảnh đất màu mỡ tạo điều kiện thuận lợi để nghệ sĩ thăng hoa, thỏa sức sáng tạo, khẳng định năng lực của mình. Bởi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các em thiên niên nhi đồng.
Năm 2003, một loạt vở rối cạn được lần lượt ra đời với nhiều chủ đề, nội dung, hình thức, tạo hình, kỹ thuật biểu diễn,... theo phong cách hiện đại . Năm 2003, là một năm thành công rực rỡ, các vở tham dự Hội diễn Sân khấu Múa rối toàn quốc mang về nhiều giải thưởng cao.
Năm 2004, Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị nghệ thuật đầu tiên thực hiện theo mô hình xã hội hoá nghệ thuật.
2005 – 2007
NSƯT Đỗ Thị Mùi được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long
Ban giám đốc đã nỗ lực cùng tập thể Cán bộ nghệ sĩ, diễn viên công nhân viên đoàn kết đồng lòng, Nhà hát đỏ đèn 365 ngày, số lượng khách ngày càng đông, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đời sống anh em được cải thiện.
Năm 2007, nghệ sỹ Lê Văn Ngọ, Hữu Thụ, Nguyễn Đăng Tiến được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSU'T.
Ngoài nhiệm vụ biểu diễn Nhà hát còn tham gia những hoạt động xã hội như công trình khoa học cấp Thành phố, được đánh giá cao với đề tài" Bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối Thăng Long - Hà Nội"
Cùng với những thành quả đã đạt được trong nghệ thuật, công tác đào tạo luôn là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Nhà hát đã liên kết với Trường Đại học Sân Khấu điện ảnh, đào tạo đại học chính quy lớp diễn viên múa rối. Bên cạnh đó các nghệ sĩ, diễn viên có kinh nghiệm cũng hỗ trợ tham gia truyền nghề cho thế hệ trẻ, với mục đích duy nhất để có được những thế hệ diễn viên trẻ tài năng kế tục chung tay giữ gìn và phát triển nghiệp rối.
2007 - 2017
NSND Nguyễn Hoàng Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long
Năm 2008, dàn nhạc được thành lập với hơn chục thành viên , được đào tạo chính quy tại Nhạc viện quốc gia Việt Nam. Trước đây, Nhà hát không có dàn nhạc chính thức, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao, việc thành lập đội nhạc là việc làm rất thiết thực
Từ năm 2008 đến 2014, giai đoạn này một loạt các tác phẩm nghệ thuật được trình làng phục vụ khán giả trong nước và đáp ứng với các kỳ Liên hoan múa rối trong nước và Quốc tế. Nhà hát múa rối Thăng Long luôn là một trong những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, tham gia nhiều chương trình vở diễn có chất lượng nghệ thuật tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Năm 2012, nghệ sỹ Nguyễn Hoàng Tuấn, Chu Đắc Được, Chu Văn Lượng, Nguyễn Phương Nhi, Bùi Đức Hùng, Nguyễn Thị Thanh Hương, Siu Y Ban được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSU'T.
#Kỷ lục Châu Á
Ngày 18/9/2013 Nhà hát được Trung tâm kỷ lục Châu Á đã chính thức xác lập" Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm".
Cùng thời gian đó Nhà hát được vinh dự được trao tặng Huân chương lao động Hạng Nhất.
Nhà hát luôn là lá cờ đầu của sở văn hóa thể thao Hà Nội trong mọi lĩnh vực , hàng ngàn buổi diễn doanh thu mỗi năm trên 20 tỷ đồng. Nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội trao tặng.
Năm 2015, nhiều nghệ sỹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSND và NSU'T (NSND Nguyễn Hoàng Tuấn và các NSU'T Lê Chí Kiên, Nguyễn Hồ Thủy Tiên, Đặng Tố Như, Nguyễn Quốc Vũ, Tống Thị Huệ, Võ Thùy Dương, Trần Xuân Trung, Lê Thu Huyền, Công Bích Thủy, Lê Minh Tuấn)
2017 - 2020
NSƯT Chu Lượng – Phó Giám đốc Nhà hát được giao phụ trách lãnh đạo Nhà hát Múa rối Thăng Long
Tiếp thu cơ nghiệp, kế thừa phát triển bền vững, bàn giao cho thế hệ tiếp theo. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm thật sự nặng nề của người đứng đầu Nhà hát trong giai đoạn này. Nhà hát có được như ngày hôm nay đó là công lao gây dựng của bao thế hệ đi trước, có thể khẳng định rằng đó là thế hệ vàng, họ là những người thầy, những đồng nghiệp ưu tú đã nuôi dưỡng, gây dựng, bồi đắp nên thương hiệu Múa rối Thăng Long. Thế hệ vàng ấy, nay người còn người mất, nhưng chắc chắn rằng họ luôn tâm huyết, gắn bó và dõi theo từng bước đi của Nhà hát hiện tại và mai sau. Nhà hát luôn giữ kỷ lục về số buổi biểu diễn, đảm bảo doanh thu. Công tác đối ngoại giao lưu văn hóa Quốc tế vẫn được duy trì thường xuyên.
#Đổi mới! đó là con đường duy nhất phải làm trong giai đoạn này
Đổi mới là yếu tố quan trọng, là chiến lược và là kế hoạch cụ thể cho từng bước đi mà Nhà hát phải thực hiện. Thấm nhuần chỉ thị của Thủ Tướng chính phủ về việc "tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Lãnh đạo Nhà hát đã triển khai rà soát lại các khâu và phương hướng cụ thể cho từng bộ phận. Đây là lúc mà toàn thể lãnh đạo, cán bộ, diễn viên, nghệ sỹ, công nhân viên Nhà hát cần phải đổi mới tư duy, đưa ra phương sách hợp lý, dung hòa và phối hợp chặt chẽ giữa sáng tạo nghệ thuật và công tác quản lý. Đồng bộ hóa toàn bộ các khâu liên quan đến tiến trình phát triển.
#Áp dụng công nghệ vào nghệ thuật truyền thống
Tháng 5 năm 2018, Nhà hát mở hệ thống bán vé điện tử , thực hiện kế hoạch điện tử hóa các dịch vụ công theo chủ trương của TP Hà Nội, cho đến thời điểm này, Nhà hát múa rối Thăng Long là đơn vị nghệ thuật truyền thống đầu tiên của Hà Nội thực hiện tự động hóa dịch vụ công.
Chú trọng đào tạo đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp có kỹ năng về giao tiếp, tác phong làm việc khoa học, văn minh lịch sự, tận tình chu đáo với khách hàng. Bộ phận marketing được thành lập. Đội ngũ bảo vệ được đào tạo chính quy, nghiêm túc trong công việc thực hiện đúng chức trách của người làm công tác an ninh trật tự.
Nâng cấp toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống rạp, sân khấu các khu vực phụ cận, ghế khán giả, hệ thống điều hòa, hệ thống chiếu sáng, quầy lưu niệm, nhà vệ sinh... Đặc biệt khu tiền sảnh được bày trí bắt mắt, không gian thoáng mát sạch đẹp với phương trâm: "Một Nhà hát truyền thống với phong cách hiện đại"
#Những đêm diễn "cháy vé"
Cuối năm 2017, Nhà hát thực hiện "Chương trình múa rối tạp kĩ chào đón giáng sinh và mừng năm mới", đã lập nên kỷ lục mới. Ban đầu, Nhà hát chỉ định diễn từ 4 đến 6 buổi, nhưng sau do "cầu" lớn, Nhà hát tăng lên 30 buổi diễn, các suất diễn "cháy vé" – điều mà trước kia những vở rối cạn chưa từng làm được. Phát huy thành quả đạt được Nhà hát lên kế hoạch dài hơi, cho ra mắt một loạt series chương trình nghệ thuật mới nhân các ngày lễ lớn như Quốc tế thiếu nhi 1/6, Rằm trung thu, Lễ Giáng sinh và đón năm mới (Thế giới của chúng em 1, 2, 3),... series này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ không chỉ của khán giả nhỏ tuổi mà còn của các bậc phụ huynh, biến những sản phẩm chất lượng này, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các gia đình trong các dịp lễ tết.
Năm 2015, tiết mục "Bay lên từ mặt nước", tại Liên hoan múa rối Quốc tế lần thư IV đã gây xôn xao dư luận bởi sự độc đáo khác lạ của nó. Trò "đấu bò tót" của Tây Ban Nha, ballet Hồ Thiên Nga, cho thấy sự sáng tạo đã vượt lên trên "khuôn khổ" truyền thống của nghệ thuật rối nước. Các động tác ballet uyển chuyển, khi thực hiện bằng hình thức rối nước rất khó bởi con rối vô tri vô giác động tác rất hạn chế. Bằng sự sáng tạo, người nghệ sỹ đã giải phẫu bộ máy, biến con rối cứng đờ trở nên mềm mại, nhẹ nhàng lướt trên sóng nước, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng, khói mờ và nhạc nước đã tạo ra một không gian mơ mộng, huyền ảo.
Năm 2018 Vở " Công chúa tóc mây" - Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ V, một sáng tạo đột phá , đưa sân khấu rối cạn xuống nước. Vở diễn có sự kết hợp hai hình thức rối cạn và rối nước với thông điệp chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tác phẩm được đánh giá cao (huy chương Bạc), đã góp phần làm phong phú hơn dàn kịch mục và cho thấy sự phát triển không ngừng ngày càng vững vàng của Nhà hát trong giai đoạn mới.
Đặc biệt chương trình nghệ thuật đa sắc thái được hình thành, "Nơi tâm hồn bất tử", một chương trình nghệ thuật ấn tượng, là mơ ước, khát vọng cống hiến , sáng tạo nghệ thuật của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Với không gian sân khấu thủy đình huyền ảo, nét tao nhã của tà áo dài, sự linh thiêng của văn hóa thờ mẫu cùng với sự hồn nhiên, trong sáng múa rối nước, tất cả hội tụ lại, tạo nên một giá trị văn hóa thuần khiết, một tâm hồn văn hóa vĩnh cửu.