Nhân vật tiêu biểu

22-07-2021 | 58

1. NSƯT. Lê Văn Ngọ - Nguyên Trưởng đoàn Múa rối Hà Nội – nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long

NSƯT Lê Văn Ngọ

Với lịch sử phát triển hơn nửa thế kỷ của của Nhà hát Múa rối Thăng Long Hà Nội, mãi mãi các thế hệ nghệ sĩ diễn viên, cán bộ công nhân viên sẽ truyền tụng về ông NSƯT Lê Văn Ngọ - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long rằng “Không có anh, không có nhà hát múa rối Thăng Long của chúng ta”

 

Sau hàng loạt biến cố lớn từ năm 1985 đến 1990. Sau khi được mang vở rối cạn “Con mèo lười” biểu diễn giao lưu nghệ thuật ở ba nước: Liên Xô, Tiệp Khắc và Mông Cổ. Lần đầu tiên nghệ thuật múa rối Việt Nam xuất ngoại thắng lợi trở về, ông được lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đề bạt làm Phó Đoàn Múa rối Hà Nội.

Phát huy vai trò, cương vị mới ông kiến nghị đề xuất lãnh đạo cấp trên cho phép đoàn phát triển, được làm nghệ thuật rối nước truyền thống. Ông đã tổ chức vận động diễn viên cùng ông lần tìm về phường rối nước Đào Thục – Đông Anh – Hà Nội xin kết nghĩa và học nghề. Các nghệ nhân truyền thống đã tận tình hướng dẫn bí quyết và giá trị nghệ thuật múa rối nước cổ truyền. Tháng 10 năm 1985, chương trình nghệ thuật rối nước đầu tiên của đoàn vở ‘‘Lý Công Uẩn dời đô’’ ra mắt khán giả đã thất bại vì trình độ nghệ thuật rối nước chưa cao, và đặc biệt vì không phải trò diễn truyền thống nên không đem lại hiệu quả thẩm mỹ cho người xem.

Sau đó ban lãnh đạo đoàn bị thanh tra kỷ luật vì sai phạm công tác quản lý kinh tế. Đồng chí trưởng đoàn bị cách chức, không khí ảm đạm bao trùm.. Đoàn rơi vào tình trạng sa sút toàn diện, tài chính nợ nần chồng chất, cơ sở vật chất hư hỏng, con người hoang mang, tất cả tê liệt không hoạt động được nữa. Một đồng chí cán bộ của đoàn được cử làm Đoàn trưởng thiếu năng lực không thể đảm trách được nhiệm vụ và tự động xin từ chức trưởng đoàn. Lãnh đạo Sở Văn hóa lần lượt cử bốn cán bộ sở về lãnh đạo nhưng không ai dám nhận làm trưởng đoàn. Do vậy, lãnh đạo sở đã đề nghị giải thể đoàn múa rối Hà Nội sau 16 năm được thành lập.

Trước nguy cơ một mất một còn ấy tinh thần ham mê sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ diễn viên bừng lên, tất cả đồng loạt làm đơn xin với cấp trên cho đồng chí Lê Văn Ngọ, phó đoàn, một người anh mà họ đặt hết niềm hy vọng tương lai nghệ thuật múa rối được giữ cương vị lãnh đạo đoàn. Trước thiết tha yêu nghề của nghệ sĩ, diễn viên, Sở Văn hóa Hà Nội đã quyết định ông Lê Văn Ngọ lãnh đạo phụ trách đoàn. Sau nguy cơ bị giải thể không xảy ra, ông đã cùng anh em bắt đầu vượt khó, khôi phục nghệ thuật rối cạn cùng nhau huy động tiền vàng của cá nhân để tiếp tục gây dựng nghệ thuật rối nước (vì thời điểm này đoàn còn nợ của nhà nước 7 cây vàng nên sở không cấp kinh phí dựng tiết mục mới). Sau gần một năm dầm mình trong mưa nắng, được tổ nghề phù hộ, đồng chí Vĩnh Cát- Giám đốc Sở và ban lãnh đạo cùng các tác giả, nhạc sĩ, diễn viên hăng hái đồng lòng.

Mùa đông năm 1991, chương trình nghệ thuật rối nước truyền thống do ông đoàn phó – Lê Văn Ngọ làm đạo diễn đã bất ngờ lấp lánh hiện ra trên mặt nước Hồ Gươm ngàn năm văn hiến. Có lẽ lần đầu tiên, chàng trai thủ đô Lê Văn Ngọ quê ở làng An Trạch (phố Hàng Bột ngày nay) được sinh ra đúng vào năm lịch sử cách mạng tháng 8, Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, rồi anh nhập ngũ chống Mỹ và qua bao lặng lẽ thăng trầm để hôm nay trước thành công nghệ thuật anh nở nụ cười như sóng Hồ Gươm trên khuôn mặt trầm tư, nhưng đằng sau gương mặt suốt đời đăm chiêu, kín đáo, loa toan cho mọi người, cho nghệ thuật ấy cất giấu một sức mạnh, tâm hồn sáng trong, một tài năng nhanh nhậy và cái lịch lãm của người Hà Nội để anh làm nghệ thuật múa rối.

Mặc dù nghệ thuật múa rối truyền thống của dân tộc ta là mãi mãi, những con người tài năng nhiệt huyết làm nghệ thuật thời nào cũng có. Nhưng con đường duy trì, phát triển, sáng tạo nghệ thuật không bao giờ phẳng lặng… không ai có thể lường trước được thời vận thịnh suy của thế cuộc. Bởi vậy khi có biến cố tạm thời nghệ thuật có thể bị gạt ra bên lề cuộc đời, lúc đó rất cần con người như anh, con người sinh ra để xuất hiện trong cơn nguy khốn của nghệ thuật và mọi gian khó người nghệ sĩ đều vượt qua bởi trong sâu thẳm tâm hồn họ. Trong ai cũng cất giấu một nụ cười.

2. NSƯT Đỗ Thị Mùi – Nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long

NSUT Đỗ Thị Mùi

Cuộc đời và sự nghiệp cùng những thành tựu nghệ thuật múa rối của NSƯT Đỗ Thị Mùi cũng gần gũi nhưng xa xôi vô tận như câu thơ:

“Cuốn sách đọc sắp hết

Trang đầu chưa viết xong..”

 

Gần một nửa thế kỷ đời người, ở giữa cái thế giới bản chất vũ trụ trong sạch của nghệ thuật múa rối, không gì chị không làm, ngay từ ngày nhập cuộc cho đến lúc nghỉ hưu ngày nào chị cũng hát, diễn, múa, thoại và tham gia công tác lãnh đạo quản lý. Tất cả mọi buồn, vui, được, mất, đều tự nhiên, hồn nhiên, hiện về rồi ra đi như xuân qua, hè tới, đông đến, thu sang. Chị là người buồn mà không sầu, vui mà không huyên náo, gần mà không va chạm, xa mà không cách ngăn.

Với vẻ ngoài dịu dàng đúng mực, nhưng ánh mắt, nụ cười lại toát lên tâm hồn chị lúc nào cũng ngập tràn một cánh đồng hoa đầy bướm lượn mây bay như những chương trình nghệ thuật múa rối mà chị tham gia, tổ chức, chỉ đạo và biểu diễn.

Suốt đời chị coi Nhà hát múa rối Thăng Long là ngôi nhà đích thực của cuộc đời mình… Ngày nay chị cũng cùng NSƯT Lê Văn Ngọ, NSƯT Ngô thị Hiền, NSƯT Nguyễn Đăng Tiến và những người cùng trang lứa sóng bước, khoác tay bên nhau mỗi dịp trở về Nhà hát thăm hỏi và nhắc nhở các thế hệ nghệ sĩ tiến bước giữ nghề Tổ, nghệ thuật Múa Rối Việt Nam của Nhà hát

3. NSND Nguyễn Hoàng Tuấn – Nguyên Giám Đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long

 

NSND- Đạo Diễn- Nguyên Giám đốc Nhà Hát Nguyễn Hoàng Tuấn

 

Một người lặng lẽ cống hiến

 

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU

Tác phẩm tiêu biểu tham gia liên hoan nghệ thuật múa rối quốc tế.

“Huyền thoại Tiên Rồng” (rối cạn + rối nước)

 “Câu truyện tình người” (rối cạn)

 “Linh thiêng hai tiếng đồng bào” (rối nước)

4. NSUT Chu Lượng – Nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long

 

NSƯT. Đạo diễn- Thạc Sĩ- Nguyên Phó Giám Đốc phụ trách Nhà Hát Múa rối Thăng Long

 

Với NSUT Chu Lượng nghệ thuật Múa rối nước là “Mặt nước hồn người”

 

Tốt nghiệp khoa hội họa- Trường nghệ thuật Tây Bắc

Tốt nghiệp khoa diễn viên- Nhà Hát Múa Rối Trung Ương

Tốt nghiệp thạc sĩ lý luận phê bình sân khấu Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội

 

 

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU

Biên soạn và tạo hình và dàn dựng tiết mục “Bay lên từ mặt nước” cảm tác từ nhạc phẩm nổi tiếng thế giới “Hồ thiên nga” của nhạc sĩ thiên tài Tchaikovsky. Với gợi ý sáng tạo trò diễn mới kế thừa truyền thống rối nước cho tương lai.

Hoạt động ngoài nhà hát:

- Triển lãm cá nhân “Nhân gian” một ngàn con rối 2007. Trung tâm mĩ thuật Vietart Hà Nội

- Triển lãm cá nhân hội họa chân dung bầu bạn. 60 bức tranh chân dung Chu Lượng Vẽ- Tràng Tiền 2016

- Truyền nghề khôi phục nghệ thuật múa rối truyền thống cho các làng quê bắc bộ.

- Triển lãm cá nhân con rối tại Washington DC- Hoa Kỳ nhân chuyến tháp tùng chủ tịch nước năm 2007

 

5. NSUT Ngô Thị Hiền – Nguyên Trưởng đoàn diễn viên I

 

Là con gái của nghệ sĩ kịch Ngô Cừ, lớp diễn viên đầu tiên của nhà Hát kịch Việt Nam.

Tất cả nghệ sĩ diễn viên loại hình nghệ thuật múa rối với tài năng vẻ đẹp của họ cũng lộng lẫy cao xa, chẳng kém gì tài tử điện ảnh, ca sĩ và diễn viên kịch nói, tuồng, chèo, cải lương. Nhưng họ phải chấp nhận không có được vinh quang của hiện diện. Bởi vì chị và đồng nghiệp là nghệ sĩ diễn viên nghệ thuật múa Rối. Suốt đời phải che mặt trong phông đen rối cạn và giấu mình sau tấm mành đầy bí ẩn che chắn trước thủy đình của nghệ thuật rối nước. Mọi tài năng, tình cảm thiết tha, mọi nhan sắc kiều diễm đều phải truyền vào tinh thần sống hồn nhiên mãnh liệt của các nhân vật Rối.

Cái duyên thầm ngỡ như bị thiệt thòi ấy lại tránh được việc dễ bị tổn thương bởi khen chê của người đời vì quá yêu nghệ thuật. Cho nên sự đoan chính và vẻ đẹp trẻ trung của chị được bền lâu… Nay, chị đã là mẹ của đạo diễn nổi tiếng Việt Tú, là bà của những tương lại nghệ thuật nhưng hình dáng, tâm hồn vẫn vẹn nguyên vẻ thanh tân của cô gái Hà thành truyền thống và hiện đại, càng e ấp, kín đáo càng lộ vẻ kiêu xa… càng giấu mình, càng ám ảnh những người biết trọng tài, mến sắc. Nghệ thuật múa rối trường tồn bởi thời nào trời đất cũng sinh ra những con người như chị, và chị cùng đồng nghiệp mọi thế hệ có cuộc đời “duyên thầm bất từ này” cũng bởi may mắn được làm nghệ sĩ nghệ thuật múa rối, nhất là nghệ thuật múa rối của thủ đô Hà Nội trong trời đại chúng ta.

 

6. NSƯT Nguyễn Đăng Tiến - Nguyên Trưởng phòng Nghệ Thuật

NSƯT. Tác giả kịch bản nghệ thuật múa rối Nguyễn Đăng Tiến

 

Anh và họ (nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật múa rối) không đặc biệt vì làm cái việc mà không ai làm được. Không đặc biệt vì không giống ai ở đời. Và càng không đặc biệt vì người khác bảo đặc biệt.

Anh và nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa rối Thăng Long Hà Nội đặc biệt vì suốt đời không bao giờ và không khi nào đánh mất hồn nhiên, trong sáng, tình yêu thiết tha say đắm cho nghệ thuật múa rối.

Ở đời đôi khi chỉ vì một chút gì đó … si mà dám chắc hồn mình không vẩn đục.

Vậy mà … không như vậy, anh và họ không thể làm nghệ thuật múa rối được.

Hơn nữa nói đến nghề tác giả sân khâu là người ta nghĩ ngay đến những tay bút “cáo già” của kịch, chèo, tuồng, cải lương … Nhưng thử cầu cạnh các vị ấy xem, chắc gì nghệ thuật múa rối đã có kịch bản phù hợp với đặc trưng với mình để thực hiện. Vậy mà, 50 năm qua. Nhà hát có hơn ba mươi tiết mục thì có 15 chương trình kịch bản mang tên tác giả -Nguyễn Đăng Tiến.

Trong đội ngũ viết, soạn kịch bản cho sân khấu Việt Nam. Anh là người rất may mắn và vô cùng hiến hoặc được sở hữu cái đặc trưng và những nguyên tắc kịch bản dành riêng cho nghệ thuật múa rối, nếu không nói ở đó có nhiều bí mật mà chỉ có riêng anh có kinh nghiệm.

7. NSƯT Phương Nhi – Nguyên Trưởng đoàn diễn viên 2

 Đạo diễn NSƯT Phương Nhi

Người sáng tạo nghệ thuật vô điều kiện

Như bao thế hệ nghệ sĩ may mắn. Chị đã sáng tạo nghệ thuật bằng nguồn vốn tinh hoa cha truyền con nối. Chính vì phải trực tiếp chiến đấu bảo vệ sinh mạng mình bởi vậy tư tưởng cao cả hết mình cho nghệ thuật đã giúp chị vượt qua mọi hoàn cảnh, điều kiện để giúp những tác phẩm, chương trình do chị trực tiếp đạo diễn dàn dựng bao giờ cũng để lại những ám ảnh về giá trị đạo đức, thẩm mỹ cho khán giả.

 

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU

Những vở diễn đến với chị như định mệnh đó là “Bí Ẩn 2/3”.

Tác giả: NSƯT Đăng Tiến

Đạo diễn NSƯT Phương Nhi

Vở diễn tham gia. Liên hoan nghệ thuật Múa rối Quốc tế Hà Nội năm 2012

Vở diễn: “Hào quang từ Quá khứ”

Tác giả: NSƯT Đăng Tiến

Đạo diễn: Phương Nhi

Tham gia liên hoan nghệ thuật Múa rối Quốc tế Hà Nội 2015

thanglongwaterpuppettheater
thanglongwaterpuppettheater
thanglongwaterpuppettheater