Rối nước - Sự bí ẩn của một con đường

25-07-2021 | 1948

nguyen-quang-thieu

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

 

 Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam

Phó tổng thư ký thường trực hội nhà văn Á Phi

Giám đốc nhà xuất bản hội nhà văn Việt Nam

Vào một buổi sáng cuối xuân năm 2007 trong một ngôi nhà ở Dedham, Boston, Hoa Kỳ, tôi dậy sớm và nhìn qua ô cửa từ tầng hai xuống khu vườn của nhà thơ Kevin Bowen. Trời vẫn còn rất lạnh và sương mờ ảo trong những vòm cây. Giờ này vào ngày nghỉ cuối tuần, những người Mỹ còn đang ngủ. Nhưng tôi thấy một đứa bé đi rón rén về phía góc vườn nhà Kevin. Tôi nhận ra đó là cậu bé hàng xóm năm tuổi Nicky. Đêm qua, nghệ sỹ Chu Lượng và mấy anh em Hà Đông chúng tôi đã có một buổi biểu diễn rối nước cho những người hàng xóm của nhà thơ Kevin xem trong cái sân khẩu thủy đinh di động nhỏ bé mang từ Việt Nam sang. Năm đó, Đại học Massachusetts mời nghệ sỹ Chu Lượng sang để thuyết trình về nghệ thuật rối nước. Cùng nghệ sỹ Chu Lượng là đạo diễn, nhà thơ, nhạc sỹ Lương Tử Đức thuyết trình về nghệ thuật chèo. Con trai tôi và tôi cùng đi với đoàn. Vì thế mà nghệ sỹ Chu Lượng đã đào tạo cấp tốc chúng tôi trở thành những “nghệ sỹ biểu diễn rối nước” bất đắc dĩ.  Nhưng sự kỳ diệu của rối nước đã thống trị trái tim người xem ở Mỹ mà chẳng hề để ý đến sự vụng về của chúng tôi.

Cậu bé Nicky bước đến trước cái sân khẩu thủy đình ở góc vườn. Cậu quỳ xuống và nhìn sâu vào lòng nước xanh. Rồi tôi thấy cậu từ từ đưa bàn tay nhỏ xíu của mình vào nước. Hình như cậu đang tìm gì đó trong cái làn nước của sân khấu thủy đình kia. Hôm sau, mẹ cậu kể cho tôi nghe là chưa bao giờ cậu dậy sớm như thế vào ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng sáng đó là một sáng đặc biệt. Cậu đã đến bên cái bể nước sân khấu thủy đì để tìm những con cá đêm qua đã hiện ra trong làn nước xanh huyền ảo ấy. Và đến lúc đó, tôi chợt hiểu thêm sự kỳ diệu và đầy bí ẩn nhưng lại giản đơn của nghệ thuật rối nước. Cậu bé Nicky đã tin vào cái thế giới kỳ diệu và bí ẩn trong cái bể nước sân khấu thủy đình. Thế giới ấy đã hiện ra trong mắt cậu lộng lẫy như một cơn mơ. Tôi tin đêm qua, trong giấc mơ tơ non của cậu, một hồ nước xanh vô tận mở ra và từ đáy sâu vô tận của hồ nước ấy, những con cá bay lên khỏi mặt nước, quẫy đuôi và lặn xuống, biến mất như mang theo toàn bộ bí mật của thế gian này.

Khi rời Mỹ trở về, nghệ sỹ Chu Lượng đã tặng lại cho gia đình nhà thơ Kevin và những người Mỹ hàng xóm của ông sân khấu thủy đình di động cùng các những con rối nước mà anh đã cùng chúng tôi biểu diễn. Năm sau đó tôi quay lại Mỹ và đến thăm nhà Kevin, ông dân tôi đến một căn phòng. Ở đó tôi nhìn thấy cái sân khấu thủy đình. Kevin đã giữ nó như một báu vật. Mỗi khi có khách đến chơi, ông lại giới thiệu với khách món quà vô giá đó. Rồi ông dẫn khách đi từng phòng của ngôi nhà để giới thiệu những con rối ông đã mang về từ Việt Nam. Cả ngôi nhà ông là những con rối nước. Mỗi con rối đều chứa một câu chuyện. Tất cả những gì kỳ diệu nhất của văn hóa Việt Nam ở trong những con rối đó : thần thánh, con người, nuông thú, thiên nhiên….Kevin nói với tôi rằng: thi thoảng vào buổi tối, ông lại lặng lẽ đến ngồi trước một con rối nước và ông lại thấy một điều lạ lùng hiện ra và ông nghe được tiếng nước chảy trên những con sông, tiếng cá quẫy trong những đầm nước, tiếng người cười vui trên cánh đồng, tiếng các tiên nữ giáng trần đang hát múa huyền ảo….Và cho mỗi lần như vậy, Kevin lại hiểu thêm một lần vì sao người Việt Nam có thể đi qua được những đau khổ, mất mát…để chỉ có tiếng cười vang lên cùng tiếng nước mọi chốn mọi nơi.

Rối nước đã có khoảng mười thế kỷ. Tôi cứ nghĩ nếu không phải địa lý Việt Nam với những làng thôn và những cánh đồng lúa nước, không phải văn hóa Việt Nam thì không thể sinh ra nghệ thuật rối nước. Tất cả những gì mà chúng ta và những người nước ngoài thấy được trong sân khẩu thủy đình mê hoặc kia là sinh ra từ nước. Trên những cánh đồng lúa nước, người Việt Nam đời này qua đời khác cày cuốc và gieo hạt, dựng nhà và sinh con để cái, tôn thờ thần thánh và tổ tiên, yêu thương ngập tràn và tha thứ vô tận. Bởi chính thế mà người xem không bao giờ tìm thấy được một nét buồn trên gương mặt của Tễu, của Tiên và của cả chính nuông thú. Trong mọi hoàn cảnh, người Việt Nam đều tìm đến niềm vui và hóa giải mọi nỗi buồn: trâu chọi nhau mà lại thấy vui, cáo bắt vịt mà lại thấy cười…

Lạ kỳ thay trong suốt mười thế kỷ đã trôi qua, những con cá vẫn cứ từ dưới làn nước xanh bay lên, xòe vây, quẫy đuôi rồi biến mất vẫn làm mê mệt người xem ở mọi thời đại và mọi quốc gia. Một sự thật là khi chúng ta đứng bên một hồ nước ngoài đời, chúng ta luôn nhìn những con cá với một khoái cảm ăn uống. Thế mà khi những con cá kia hiện ra trong cái hồ nước sân khấu thủy đình lại dẫn ta vào sự sự mê dụ của những huyền ảo. Cái gì đã biến một thứ vật chất thô thực thành một vẻ đẹp huyền ảo như thế ? Những con cá đã đi bằng con đường nào từ hồ nước đời sống để đến được hồ nước nghệ thuật kia ? Câu trả lời duy nhất là : đó là con đường sáng tạo kỳ diệu của người nghệ sỹ.

Có một câu chuyện của đời sống thường nhật lại làm tôi nhận ra sự kỳ vĩ của nghệ thuật trong đó có nghệ thuật rối nước. Câu chuyện về những con chim đập cánh vào ô cửa. Có một ngày, khi tôi đang ngồi trong phòng làm việc ở nhà mình. Tôi thấy những con chim ri bay từ cây si vào và đập cánh lên những ô kính của cửa sổ. Chúng đập cánh và như tìm cách bay vào bên trong. Những buổi sáng trời có nắng đẹp là những lúc bầy chim bay vào và đập cánh lên ô cửa. Lúc đầu, tôi nghĩ hay là những con chim đó bị mù. Bởi thế chúng không biết tìm hướng bay trở về vòm cây si nữa. Nhưng khi tôi mở cửa ra để xem có thể giúp những con chim được gì không thì chúng vội bay trở về vòm cây si. Cứ như thế, những lần sau đó, tôi ngồi im lặng bên trong ngôi nhà và nhìn những con chim đập cánh lên ô cửa để tìm cách vào bên trong và suy nghĩ vì sao chúng lại như thế. Có phải những ô cửa kính phản chiếu ánh mặt trời làm cho chúng lóa mắt chăng hay ô kính đó chứa đựng một điều gì đó đặc biệt. Rồi một ngày, tôi quyết định bước ra ngoài ban công để nhìn vào ô cửa kính để xem trong đó có gì. Tôi bước ra ngoài ban công và đóng cửa lại. Tôi nhìn vào ô kính. Và tôi bàng hoàng.

 

Không có sự lóa sáng của ánh mặt trời chiếu vào. Không có gì khác ngoài hình ảnh của cây si và vòm trời phía trên nó. Tất cả được in vào đó không hề méo mó. Nhưng cây si kia và bầu trời phía trên nó kia đã hiện ra trong một thế giới khác. Những cái lá, những chùm rễ, bầu trời và những đám mây trong ô kính màu lam kia lộng lẫy như ở chốn Thiên đường.  Tất cả vẫn như thế nhưng giờ mang một vẻ đẹp mới. Nghĩa là nó mang lại cho chúng ta một cái nhìn mới. Và những con chim đã bị vẻ đẹp mới của những hiện thực quen thuộc kia quyến rũ. Cái gì đã tạo ra cho cây si và bầu trời một vẻ đẹp mới ? Đó chính là ánh sáng mới trong những ô kính màu lam. Ánh sáng đó tạo ra một cái nhìn mới cho chúng ta. Và nghệ thuật rối nước cũng vậy. Cũng vẫn người ấy, trâu bò ấy, gà vịt ấy, cá tôm ấy…nhưng trong cái hồ nước thủy đình ‘’ma thuật’’ kia tất cả đã thay đổi đến diệu kỳ.

Nghĩ về rối nước, tôi luôn luôn nghĩ về sự huyền diệu của nước. Nước vừa là sân khấu, vừa là đạo cụ và vừa là nhân vật. Nếu không có nước thì tất cả những gì ở trong nó, hiện trên nó đều sẽ chết. Nước chính là hơi thở, là nhịp điệu, là màu sắc, là âm nhạc, là ngôn ngữ, là không gian của toàn bộ vở diễn. Và có lẽ những gì sinh ra từ nước, sống hòa đồng cùng nước sẽ thấm đẫm bản chất của nước để rồi bền vững như nước và ảo huyền như nước.

Năm 2016, Nicky đã trở thành một chàng trai và cậu đã rủ một nhóm bạn bè sang Việt Nam. Cậu viết thư cho tôi với mong ước được gặp lại những người quen cũ đã từng biểu diễn rối nước cho cậu xem và cậu có mong ước được đi xem rối nước. Cậu đã đến Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, ngồi xuống, im lặng và hồi hộp chờ trống rung lên và thế giới nước mở ra. Đếm ấy ở Hà Nội, chàng trai Nicky lại trở về thuở ấu thơ của cậu trong một đêm xưa ở một thành phố hiện đại của nước Mỹ. Như một cơn mơ, những con cá lại hiện ra và quẫy đuôi và biến mất như phép lạ. Đôi mắt cậu đã ứa lệ vì xúc động ở dãy ghế thứ 2 trong nhà hát Múa rối nước Thăng Long tối ngày 11 tháng 7 năm 2016. Có những câu chuyện đầy bí ẩn đối với tuổi thơ nhưng khi trở thành một người lớn thì sự bí ẩn ấy biến mất. Nhưng bí ẩn của những con cá trong hồ nước thủy đình đã không biến mất khi Nicky đã trở thành một chàng trai có học vấn và chững trạc.

Gặp lại tôi trước khi trở về Mỹ, Nicky xúc động nói: ‘’ Mười mấy năm đã trôi đi, nhưng những con cá hiện ra trong cái bể nước màu xanh ở góc vườn của nhà thơ Kevin đêm ấy vẫn là một bí ẩn. Tôi đến Hà Nội lần này và xem rối nước vừa để gặp lại những con cá ấy vừa như muốn khám phá bí mật về sự mê dụ kỳ ảo của chúng. Nhưng nước đã giấu toàn bộ bí mật. Đấy chính là sự quyến rũ của nghệ thuật, đặc biệt của riêng rối nước’’.

 

Nguyễn Quang Thiều

thanglongwaterpuppettheater
thanglongwaterpuppettheater
thanglongwaterpuppettheater