Múa rối chật vật sinh tồn
Các nhà hát múa rối tìm hướng đi mới hậu giãn cách xã hội, từ rối nước chuyển sang tập trung diễn rối cạn để hút khán giả nhí.
Nhà hát Múa rối Việt Nam bắt đầu hoạt động trở lại sau gần 3 tháng đóng cửa vì Covid-19. Hiện nay trung bình nhà hát chỉ có 1 suất diễn/ngày, chủ yếu diễn rối cạn phục vụ các em nhỏ. Trước Covid-19, ngày nào cũng có 2-3 suất diễn, vào dịp cao điểm lên đến 7-8 suất/ngày.
Các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn trong lễ bế giảng của các em học sinh mầm non. Thành lập từ năm 1956, đây là nhà hát uy tín trong nước và quốc tế. Ảnh: Ngân Dương.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc nhà hát, nhận định chưa bao giờ số suất diễn rối nước lại "lép vế" hơn rối cạn như bây giờ. Trước đây, tỉ lệ suất diễn múa rối cạn chỉ bằng 1/3 so với rối nước. Lượng khách đến nhà hát cũng chênh lệch lớn, thay vì đón khoảng 600 - 900 khách/ngày như trước đây, hiện chỉ còn khoảng 300. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của nhà hát chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng đang trong tình cảnh khó khăn. Sau khi mở cửa trở lại, nhà hát chỉ có khoảng 3 suất diễn/ tuần, thay vì 3 - 5 suất/ngày như trước. Tọa lạc ngay bên hồ Hoàn Kiếm, nhà hát đón lượng khách nước ngoài rất lớn, chiếm đến 85%. Trước đây, nơi này đón hơn 1.000 khách/ngày, còn bây giờ cả tuần mới đạt con số như vậy. Vấn đề nguồn thu hiện rất khó khăn, trước Covid-19 nhà hát mỗi ngày thu được hơn 100 triệu, nhưng hiện cả tháng cũng không đạt nổi con số này. Dù doanh thu không đủ để chi trả, nhưng nhà hát vẫn vận hành.
"Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến tình huống này, chỉ đặt ra những trường hợp như làm sao để thu hút được khách, tăng doanh thu, tăng chất lượng... Covid-19 xuất hiện làm chúng tôi điêu đứng. Rất may nhà hát cũng có quỹ dự phòng, trong thời kỳ khó khăn này quỹ đang được tạm ứng để triển khai các công tác cần thiết như sửa chữa, trả lương... Nhưng nếu tình hình kéo dài thế này một năm nữa, nhà hát phải đóng cửa", ông Chu Lượng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, cho biết.
Trước tình hình trên, các nhà hát múa rối đang phát triển những hướng đi mới, quay về tập trung đối tượng khách nội địa, đặc biệt là thiếu nhi, đồng thời sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất. "Chúng tôi đang thử nghiệm để tìm ra một nguồn khách phù hợp. Phải chủ động tìm đến khán giả chứ không để khán giả tìm đến mình mãi, nhất là trong thời điểm này", ông Dũng cho hay.
Trong tháng 7, Nhà hát Múa rối Việt Nam tập trung diễn các buổi rối cạn cho học sinh các trường nhân dịp bế giảng, biểu diễn lưu động, hầu như ngày nào cũng có suất diễn. Khi không có ca diễn, các nghệ sĩ tập luyện lại các vở rối và đào tạo cho lớp nghệ sĩ trẻ đang học việc tại nhà hát. Ông Dũng đánh giá đây là tín hiệu rất mừng cho các nghệ sĩ, để họ thấy rằng mình vẫn có thể tiếp tục biểu diễn và nghệ thuật múa rối vẫn có sức hút với khán giả.
Còn với Nhà hát Múa Rối Thăng Long, nhân sự của nhà hát cũng tích cực liên hệ với các bên để giới thiệu về các vở diễn. Các nghệ sĩ cũng đang dàn dựng thêm, tập luyện và điều chỉnh lại các vở rối để phù hợp và hấp dẫn với trẻ em. Bên cạnh các suất diễn tại nhà hát, các nghệ sĩ cũng đến các trường để biểu diễn rối lưu động. Nhà hát còn mở 2 buổi quảng bá tại phố đi bộ, ngay trước cửa nhà hát vào 19h30 - 20h30 thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.
Nhà hát Múa rối Thăng Long dựng sân khấu biểu diễn rối cạn, ca nhạc dân tộc cho du khách ngay trước cửa nhà hát. Thành lập vào năm 1969, nơi đây từng được sách kỷ lục châu Á (Asian Book of Records) công nhận là Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm. Ảnh: Nhà hát Múa Rối Thăng Long.
Các nhà hát múa rối đều hy vọng về sự trở lại của khách quốc tế và tin rằng du khách vẫn rất yêu thích nghệ thuật rối Việt. Bên cạnh đó, nhà hát cũng kỳ vọng du khách nội địa sẽ quan tâm hơn đến nghệ thuật múa rối truyền thống của dân tộc. "Hãy thử một lần đến xem múa rối" là thông điệp mà các nghệ sĩ mong muốn chia sẻ.
Ngân Dương - Vnexpess