Những người mang rối nước Việt vượt đại dương sang Mỹ

25-07-2021 | 2524

T

hoắt vậy mà đã hai mươi bốn năm trôi qua , kể từ đận Rối nước Thăng Long có một chuyến đi “khai phá” đầu tiên, vượt đại dương sang tận nước Mỹ trình diễn tại thành phố cảng San Francisco thuộc bang California dịp tháng Mười năm 1995 ngay sau khi Chính phủ Mỹ tuyên bố “ bình thường hoá” quan hệ ngoại giao và vừa mở Đại sứ quán tại Hà nội ngày 11-8-1995. ! Sự kiện đặc biệt này được ví von như một cú “ngoại giao rối nước” , bắt tay thân thiện giữa hai đất nước mà hai mươi thành viên của Nhà hát Múa rối nước Thăng Long gần như là những người đầu tiên được cấp visa nhập cảnh của Hợp chủng quốc Hoa kỳ bằng một dấu mộc điền tên họ chưa hề có ảnh của Ngài đại sứ Petter Anderson vừa bay sang Hà nội nhậm chức vào mùa thu năm ấy ! Tôi may mắn có mặt trong chuyến đi lịch sử của Nhà hát múa rối nước Thăng Long lần đầu tiên chinh phục khán giả nước Mỹ như một nhịp cầu kết nối mang thông điệp hữu nghị , giao lưu văn hoá giữa hai đất nước nhân dịp hai mươi năm kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt Việt - Mỹ ở thời điểm ấy ( 1975-1995) ! Ngay đêm diễn đầu tiên chương trình múa rối nước cổ truyền của Việt nam đặc sắc tại San Francisco , Ngài Thị trưởng thành phố Frank . M Jordan đã ký ngay Bằng tuyên dương Ngày 10-10-1995 là “ Ngày múa rối nước Thăng Long tại San Francisco “ như một sự tưởng thưởng cho hoạt động ngoại giao văn hoá hữu nghị đầy ý nghĩa này ! Sự thân thiện và cởi mở của những khán giả Mỹ khi gặp gỡ chia sẻ đầy ân tình với tất cả các nghệ sĩ sau những giây phút thăng hoa phấn kích vỗ tay tưởng thưởng cho mỗi trò diễn múa rối nước đã để lại bao ấn tượng khó quên với chúng tôi ngay lần đầu tiên lưu diễn tại Hoa kỳ , làm tan biến mọi nghi kỵ và cả nỗi âu lo trước chuyến đi gặp lại một “ cựu thù “ ! Và ngay lúc ấy tôi đã đầy tin tưởng vào một kết quả tươi sáng mối quan hệ Việt nam - Hoa kỳ sẽ “ đơm hoa kết trái “ trong một tương lai không xa nữa !

Sau chuyến đi “đột phá khẩu” đầu tiên của múa rối nước Thăng long sang Mỹ năm 1995, không phải bỗng dưng liên tục hai năm sau đó 1996 -1997 , Nhà hát múa rối nước Thăng Long được Ban tổ chức Festiaval nghệ thuật quốc tế Lincoln Center 96 mời tham dự với tưu cách như đại diện một loại hình nghệ thuật dân gian cổ xưa độc đáo của Châu Á tham dự vào mùa thu 1996 tại New York ,Hoa kỳ . Tiếp đến là tour diễn vòng quanh các trường đại học của nước Mỹ từ Tây sang Đông giới thiệu bộ môn nghệ thuật dân gian cổ truyền múa rối nước của Việt nam cho sinh viên và học sinh nước Mỹ từ UCLA ở Bang Califorlia , qua Berkerly ... qua The Lied Center of Kansas ,The Ordway Music Theatre tại Bang Minnesota trong suốt hai tháng trời cuối năm 1997 ! Ba năm liền với ba chuyến xuất ngoại “ dọc ngang “ nước Mỹ như một kỳ tích nâng cao thương hiệu của Nhà hát Múa rối nước Thăng long ngày ấy ở Việt nam , vượt qua nhiều nhà hát truyền thống ở nước ta để trở thành một đơn vị nghệ thuật đáng tự hào được giới nghệ sĩ cả nước nể phục , giới báo chí truyền thông “o bế , săn sóc”, quý mến gắn bó tận tình như một địa chỉ văn hoá nổi bật ở thủ đô ! Và không thể không kể đến công lao của một nghệ sĩ biểu diễn đồng thời cũng là một nhà quản lý tài giỏi mà tên tuổi anh dường như luôn được nhắc tới gắn liền với tên tuổi của Nhà hát Múa rối nước Thăng Long - Nghệ sĩ ưu tú Lê Văn Ngọ - Nguyên trưởng đoàn múa rối Hà nội và Nguyên là Giám đốc của Nhà hát múa rối Thăng Long trong suốt hai mươi năm ( 1988-2008 ) ! Ba chuyến lưu diễn tại Mỹ , tôi đều được NSUT Lê Văn Ngọ và Nhà hát múa rối nước Thăng long tin tưởng , mời cộng tác là người phụ trách tổ chức biểu diễn và truyền thông cho chương trình giao lưu văn hoá đối ngoại giúp đoàn những năm ấy ! Có những duyên cớ riêng mà hôm nay có thể “ bật mí “ về những chuyến xuất ngoại cùng rối nước Thăng Long đi Mỹ năm ấy , tại sao tôi lại là người rong ruổi cùng anh suốt các chuyến lưu diễn khắp nước Mỹ thuở đó ! Dịp Tết Kỷ hợi mới đây, NSUT Chu Văn Lượng - Giám đốc đương nhiệm của Nhà hát múa rối nước Thăng long- người cuối cùng của” thế hệ vàng” đã mời gặp mặt những anh chị em nghệ sĩ và cộng tác viên đã từng gắn bó với Nhà hát những năm tháng xa xưa từ thuở đi Mỹ , một cuộc “ trùng phùng “ bao nhiêu kỷ niệm từng chung tay gây dựng nên thương hiệu Nhà hát múa rối Thăng Long hôm nay !

Sự thành công của Nhà hát múa rối nước Thăng Long khi giờ đây là Nhà hát duy nhất trong cả nước luôn sáng đèn liên tục suốt cả 365 ngày trong năm với hàng ngàn xuất diễn , doanh thu hơn 45 tỷ đồng hàng năm , không ai có thể nghĩ đã có những ngày tháng tưởng chừng như sắp giải thể khi nợ nần chồng chất ,hơn một nửa nghệ sĩ trong đoàn đã phải “ dứt áo chia tay “ đoàn vì mưu sinh vào quãng năm 1987-1988 ! Chính vào thời khắc “ bĩ cực “ nhất của Đoàn rối Thăng Long lúc đó, nghệ sĩ Lê Văn Ngọ cùng chín diễn viên cốt cán yêu nghề nhất dám trụ lại đoàn bèn họp nhau lại, tự nguyện góp vốn kẻ ít người nhiều , mỗi người một chỉ vàng riêng anh góp 2000 USD vợ vừa gửi về từ nước ngoài để chung tay trang trải nợ nần và đầu tư phục hồi các con rối để gây dựng lại các chương trình phục vụ thiếu nhi của Đoàn rối Thăng long ngày ấy ! Tôi bắt đầu biết anh Ngọ từ ngày đó lúc đang là Trưởng phòng tổ chức biểu diễn của Nhà hát quản lý Rạp Tuổi trẻ luôn đông nghịt khán giả thiếu nhi mỗi sáng chủ nhật hàng tuần ! Thấy anh đến Nhà hát Tuổi trẻ nhờ tôi dẫn vào gặp anh Thuật giám đốc lúc đó , khẩn khoản chỉ để xin cho Đoàn múa rối Thăng long được biểu diễn phục vụ miễn phí một vài buổi cho học sinh thủ đô để tiết mục có cơ hội tiếp xúc với khán giả nhí được nhuần nhuyễn hơn trước khi đoàn đi xuống trình diễn ở các trường học ngoại ô ! Thấy anh Ngọ- một nghệ sĩ tâm huyết yêu nghề và con trẻ đến vậy , anh Thuật giám đốc của tôi đồng ý ngay tắp lự và giao cho ngay cho mấy đàn em ,cố gắng kêu gọi nhà tài trợ cho buổi diễn để có chút thù lao cho cả đoàn ! Cái duyên và cái tình với anh Ngọ cùng các nghệ sĩ Đoàn múa rối Thăng long với riêng tôi đã bắt đầu được gieo mầm từ năm tháng vất vả ấy ! Và rồi bẵng đi trong mấy năm liên tục, nghệ sĩ Lê Văn Ngọ và các thành viên đầu đàn của đoàn đã có một cuộc bứt phá thay đổi lớn lao khi họ quyết định mời thầy mời thợ ,để truyền nghề từ các nghệ nhân của những phường rối cổ truyền Đào Thục ...cho anh em trong đoàn bước sang một sân khấu trình diễn hoàn toàn mới mẻ , dẫu còn vụng dại, khó khăn nhưng lại đầy hưng phấn và khát khao mới mẻ được sáng tạo lại chính mình ! Cũng phải kể đến công lao của nhạc sĩ Vĩnh Cát- lúc ấy là Giám đốc Sở Văn hoá đã khuyến khích đàn em ,lo viết nhạc cho chương trình biểu diễn múa rối nước của đoàn và nghệ sĩ Lê Văn Ngọ sắp sếp , đạo diễn lại các tiết mục tạo tính hấp dẫn và trò diễn sinh động hơn , phối hợp với dàn nhạc dân tộc là những cộng tác viên lâu năm ở nhà trường hay nhà hát, đoàn chèo tụ họp lại với anh. Những buổi diễn múa rối nước đầu tiên trình làng khán giả thủ đô và khách du lịch ngoại quốc là ngay sát nách bên Đền Ngọc Sơn giữa tiết xuân vẫn còn lạnh khi cả đoàn lội xuống nước Hồ Gươm rét run cầm cập . Lắm tối vắng khách xem số tiền bán vé thu được sau khi trừ mọi chi phí buổi diễn, chỉ vừa đủ mua cho mỗi người một bát phở ăn đêm để đỡ đói bụng ! Chuyến xuất ngoại đầu tiên tại Fesstival nghệ thuật Nhật Bản , rồi ngay sau đó là Hongkong đã chính thức xếp Nhà hát Múa rối nước Thăng long trở thành một tên tuổi mới cho nhiều đối tác nước ngoài đến Việt nam lựa chọn nghệ thuật cổ truyền đi giao lưu quốc tế ! Nhất là đoàn lại bắt đầu được Ban lãnh đạo Sở Văn hoá Hà nội tin cậy giao cho Đoàn khai thác Rạp Hoà bình làm “đại bản doanh” hoạt động phục vụ khách du lịch quốc tế lho đến thăm Hà nội ! Trong số 10 thành viên” bám trụ “ theo anh Ngọ năm ấy , hầu hết sau này các anh chị đều trở thành NSND, NSUT và kế cận “thay nhau” nắm giữ chức vụ Giám đốc ,Phó Giám đốc và trưởng đoàn , trưởng phòng... của Nhà hát Múa rối Thăng long suốt những năm tiếp theo như chị Đỗ Thị Mùi ,Nguyễn Hoàng Tuấn , Chu Đắc Được, Chu Lượng , Nguyễn Đăng Tiến, Nguyễn Hữu Thụ ... Và con số kỷ lục được mời “xuất ngoại “biểu diễn ở tại 40 quốc gia trên thế giới không phải nhà hát nghệ thuật truyền thống nào ở Việt nam cũng có thể mơ tới trong hành trình phát triển của đơn vị mình trong thời buổi này !

Vào dịp Tết năm Ất hợi 1995 , lúc tôi vẫn còn đang ăn lương cộng tác viên mảng văn nghệ của báo Thanh niên với bút danh Tứ Mục , bỗng một hôm anh Nguyễn Công Khế - Tổng biên tập nhắn qua Văn phòng đại diện phía Bắc ở phố Hàm Long bảo có người bạn là Anh Vũ Đức Vượng - Chủ tịch Phòng Thương mại Đông Nam Á ở San Francisco bên California muốn về Việt nam mời một đoàn nghệ thuật truyền thống sang Hoa kỳ biểu diễn dịp mùa thu năm nay ! Vốn là một giáo sư đồng thời là một nhà hoạt động chính trị tại San Francisco trên cương vị là người điều hành Trung tâm Cộng đồng Đông Nam Á ( Southeast Asian Community Center ) , anh cùng mọi người rất muốn làm một nhịp cầu nối giữa Hoa Kỳ và Việt nam thông qua một chuyến giao lưu văn hoá nghệ thuật cổ truyền tại thành phố San Francisco , ngẫm đi nghĩ lại thấy sự lựa chọn múa rối nước là phù hợp hơn cả ở thời điểm này bởi cội nguồn lâu đời và bản sắc văn hoá dân tộc Việt được thể hiện rõ nét nhất qua nghệ thuật trình diễn ,pha trộn cả hát xướng , các làn điệu dân ca và âm nhạc dân tộc đặc sắc cùng nhiều tiết mục múa rối nước ít lời thoại , sinh động , hồn nhiên hợp với mọi tầng lớp khán giả Mỹ đến xem ! Cho tới lúc đó, tin tức phong thanh về việc Hoa kỳ sắp gỡ bỏ lệnh cấm vận , Tổng thống Bill Clinton của Đảng Dân chủ đang xúc tiến những quan hệ ngoại giao để chuẩn bị ký hiệp định bình thường hoá quan hệ giữa hai nước Hoa kỳ - Việt nam , nên việc một đoàn nghệ thuật dân tộc cổ truyền Việt nam luôn được các cấp “ bật đèn xanh “ ủng hộ và tạo mọi điều kiện để thực hiện chuyến lưu diễn theo lời mời của phía đối tác Hoa kỳ ! Thậm chí , qua ông Vũ Đức Vượng lúc ấy cho chúng tôi biết , Ngài Frank M. Jordan - Thị trưởng của Thành phố San Francisco - người của Đảng Dân chủ sẵn sàng hoan nghênh sự hiện diện của một đoàn nghệ thuật dân tộc cổ truyền Việt nam có mặt tại Hoa kỳ khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao có thể vào dịp mùa thu năm ấy !

Đúng vào dịp Tết năm Ất hợi 1995 , anh Vũ Đức Vượng bay từ San Francisco về Sài gòn xem một vài show diễn rồi lại bay ngay ra Hà nội gặp tôi theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Công Khế ! Trong tuần lễ ngắn ngủi ở Thủ đô, tôi dẫn anh Vượng đi xem các show diễn của Nhà hát múa rối nước Trung ương , Nhà hát Chèo Việt nam, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc ... và lên gặp anh Phạm Xuân Sinh - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Văn hoá Thông tin để xin chủ trương về chuyến lưu diễn chính thức lần đầu tiên của một đoàn nghệ thuật múa rối nước sang Hoa kỳ ngay sau khi có lệnh dỡ bỏ cấm vận nghe phong thanh có thể vào mùa hạ hay mùa thu năm ấy ! Phải công tâm mà nói , chương trình biểu diễn của Nhà hát múa rối nước Trung ương ở Đường Trường Chinh lúc ấy đang được coi là “ anh cả đỏ “ của các đoàn nghệ thuật múa rối nước ở nước ta dạo ấy bởi đội ngũ diễn viên rất thuần thục tay nghề và chinh chiến “ mang chuông đi đánh xứ người quanh năm “ ! Thế nhưng có một điều cực khó khăn cho bất kỳ chuyến xuất ngoại nào dạo ấy là khoản chi phí “ vé máy bay khứ hồi “ cho các nhà hát đi biểu diễn giao lưu văn hoá lại rất hẻo , không bao giờ” tự kham nổi” mà phải luôn chờ phía” đối tác gánh hộ “ mới có thể lên đường ! Bởi vậy , tôi nhớ khi ấy , dù lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao rất muốn kéo chuyến đi Mỹ về cho Nhà hát múa rối nước Trung ương nhưng cuối cùng vẫn đành chịu ”buông tay “ khi ông Vũ Đức Vượng đề nghị cho ứng trước khoản mua vé máy bay khứ hồi Hà nội - San Francisco - Hà nội cho cả đoàn bay sang Mỹ rồi sẽ thanh toán sau khi biểu diễn ! Lúc ấy, NSND Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT DL mới nghỉ hưu năm ngoái-mới đang chỉ là Trưởng phòng nghệ thuật của Nhà hát múa rối nước Trung ương dạo đó , sau này anh kể lại cứ nuối tiếc mãi một cơ hội hiếm hoi đi Mỹ rất sớm của nhà hát mình , đã bị tuột mất khỏi tay bởi lý do “ bất khả kháng “ !

Sau đó , tôi quyết định dẫn anh Vũ Đức Vượng đến xem và gặp nghệ sĩ Lê Văn Ngọ đang là giám đốc đương nhiệm của Đoàn múa rối nước Thăng Long vừa được Sở VH TT tin cậy giao cho Rạp Hoà Bình ven Hồ Gươm mới cải tạo lại thành nơi trình diễn múa rối nước khá tinh tươm , không ngờ ngay lần đầu tiên diện kiến , cả hai anh đều tâm đầu ý hợp về dự kiến cho chuyến đi “ đột phá khẩu “ sang Mỹ nhằm xây dựng thương hiệu đối ngoại cho Nhà hát múa rối nước Thăng Long . Và quả nhiên, ít ai biết rằng chính cái quyết định dám xuất” tiền tươi thóc thật “ để ứng trước mua vé máy bay cho cả đoàn đi Mỹ năm ấy của nghệ sĩ Lê Văn Ngọ - giám đốc NH Thăng long năm 1995 đã khai mở cho hàng loạt các lời mời từ phía Ban tổ chức Festival quốc tế ở Lincoln Center New York , Công ty tổ chức biểu diễn ở Broadway cho những tour diễn khắp nước Mỹ năm 1996, 1997 thành công vang dội trên quốc tế và trong nước liên tục sau này ! Và tôi cũng không quên ghi nhận tình cảm ân tình từ anh Lê Văn Ngọ, anh Vũ Đức Vượng , khi luôn kéo tôi đi cùng với anh em nghệ sĩ trong Nhà hát múa rối Thang Long khắp nước Mỹ trong những xuất ngoại mang rối nước Việt vượt đại dương sang giới thiệu nghệ thuật cổ truyền Việt nam tại không ít thành phố của Hoa kỳ sau này như những sứ giả ngoại giao kết nối giữa nhân dân hai đất nước ngay sau khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao năm 1995 !

 Trương Nhuận – Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

roi-nuoc-viet-nam-sang-my

thanglongwaterpuppettheater
thanglongwaterpuppettheater
thanglongwaterpuppettheater