NSƯT. Lê Văn Ngọ - Nguyên Trưởng đoàn Múa rối Hà Nội – nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long

23-07-2021 | 2875

NSƯT. Lê Văn Ngọ - Nguyên Trưởng đoàn Múa rối Hà Nội – nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long

NSƯT Lê Văn Ngọ

Với lịch sử phát triển hơn nửa thế kỷ của của Nhà hát Múa rối Thăng Long Hà Nội, mãi mãi các thế hệ nghệ sĩ diễn viên, cán bộ công nhân viên sẽ truyền tụng về ông NSƯT Lê Văn Ngọ - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long rằng “Không có anh, không có nhà hát múa rối Thăng Long của chúng ta”

 

Sau hàng loạt biến cố lớn từ năm 1985 đến 1990. Sau khi được mang vở rối cạn “Con mèo lười” biểu diễn giao lưu nghệ thuật ở ba nước: Liên Xô, Tiệp Khắc và Mông Cổ. Lần đầu tiên nghệ thuật múa rối Việt Nam xuất ngoại thắng lợi trở về, ông được lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đề bạt làm Phó Đoàn Múa rối Hà Nội.

Phát huy vai trò, cương vị mới ông kiến nghị đề xuất lãnh đạo cấp trên cho phép đoàn phát triển, được làm nghệ thuật rối nước truyền thống. Ông đã tổ chức vận động diễn viên cùng ông lần tìm về phường rối nước Đào Thục – Đông Anh – Hà Nội xin kết nghĩa và học nghề. Các nghệ nhân truyền thống đã tận tình hướng dẫn bí quyết và giá trị nghệ thuật múa rối nước cổ truyền. Tháng 10 năm 1985, chương trình nghệ thuật rối nước đầu tiên của đoàn vở ‘‘Lý Công Uẩn dời đô’’ ra mắt khán giả đã thất bại vì trình độ nghệ thuật rối nước chưa cao, và đặc biệt vì không phải trò diễn truyền thống nên không đem lại hiệu quả thẩm mỹ cho người xem.

Sau đó ban lãnh đạo đoàn bị thanh tra kỷ luật vì sai phạm công tác quản lý kinh tế. Đồng chí trưởng đoàn bị cách chức, không khí ảm đạm bao trùm.. Đoàn rơi vào tình trạng sa sút toàn diện, tài chính nợ nần chồng chất, cơ sở vật chất hư hỏng, con người hoang mang, tất cả tê liệt không hoạt động được nữa. Một đồng chí cán bộ của đoàn được cử làm Đoàn trưởng thiếu năng lực không thể đảm trách được nhiệm vụ và tự động xin từ chức trưởng đoàn. Lãnh đạo Sở Văn hóa lần lượt cử bốn cán bộ sở về lãnh đạo nhưng không ai dám nhận làm trưởng đoàn. Do vậy, lãnh đạo sở đã đề nghị giải thể đoàn múa rối Hà Nội sau 16 năm được thành lập.

Trước nguy cơ một mất một còn ấy tinh thần ham mê sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ diễn viên bừng lên, tất cả đồng loạt làm đơn xin với cấp trên cho đồng chí Lê Văn Ngọ, phó đoàn, một người anh mà họ đặt hết niềm hy vọng tương lai nghệ thuật múa rối được giữ cương vị lãnh đạo đoàn. Trước thiết tha yêu nghề của nghệ sĩ, diễn viên, Sở Văn hóa Hà Nội đã quyết định ông Lê Văn Ngọ lãnh đạo phụ trách đoàn. Sau nguy cơ bị giải thể không xảy ra, ông đã cùng anh em bắt đầu vượt khó, khôi phục nghệ thuật rối cạn cùng nhau huy động tiền vàng của cá nhân để tiếp tục gây dựng nghệ thuật rối nước (vì thời điểm này đoàn còn nợ của nhà nước 7 cây vàng nên sở không cấp kinh phí dựng tiết mục mới). Sau gần một năm dầm mình trong mưa nắng, được tổ nghề phù hộ, đồng chí Vĩnh Cát- Giám đốc Sở và ban lãnh đạo cùng các tác giả, nhạc sĩ, diễn viên hăng hái đồng lòng.

Mùa đông năm 1991, chương trình nghệ thuật rối nước truyền thống do ông đoàn phó – Lê Văn Ngọ làm đạo diễn đã bất ngờ lấp lánh hiện ra trên mặt nước Hồ Gươm ngàn năm văn hiến. Có lẽ lần đầu tiên, chàng trai thủ đô Lê Văn Ngọ quê ở làng An Trạch (phố Hàng Bột ngày nay) được sinh ra đúng vào năm lịch sử cách mạng tháng 8, Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, rồi anh nhập ngũ chống Mỹ và qua bao lặng lẽ thăng trầm để hôm nay trước thành công nghệ thuật anh nở nụ cười như sóng Hồ Gươm trên khuôn mặt trầm tư, nhưng đằng sau gương mặt suốt đời đăm chiêu, kín đáo, loa toan cho mọi người, cho nghệ thuật ấy cất giấu một sức mạnh, tâm hồn sáng trong, một tài năng nhanh nhậy và cái lịch lãm của người Hà Nội để anh làm nghệ thuật múa rối.

Mặc dù nghệ thuật múa rối truyền thống của dân tộc ta là mãi mãi, những con người tài năng nhiệt huyết làm nghệ thuật thời nào cũng có. Nhưng con đường duy trì, phát triển, sáng tạo nghệ thuật không bao giờ phẳng lặng… không ai có thể lường trước được thời vận thịnh suy của thế cuộc. Bởi vậy khi có biến cố tạm thời nghệ thuật có thể bị gạt ra bên lề cuộc đời, lúc đó rất cần con người như anh, con người sinh ra để xuất hiện trong cơn nguy khốn của nghệ thuật và mọi gian khó người nghệ sĩ đều vượt qua bởi trong sâu thẳm tâm hồn họ. Trong ai cũng cất giấu một nụ cười.

thanglongwaterpuppettheater
thanglongwaterpuppettheater
thanglongwaterpuppettheater